image Báo chí Thông tin tuyên truyền
TP.HCM VÀ LOẠT ỨNG DỤNG THÔNG MINH PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN (PHẦN 2)
Thứ 5, Ngày 12/03/2020, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Như đã đề cập ở phần 1 http://www.ict-hcm.gov.vn/web/trang-chu/tin-tuc?tphcm-va-loat-ung-dung-thong-minh-phuc-vu-nguoi-dan&post=MTNg2ODA3ODgzMw==, tính đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định rằng, đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025” đã và đang được nhiều Sở, ban - ngành và nhiều đơn vị hữu quan của Thành phố quyết liệt triển khai một cách đồng bộ và khoa học.

Không chỉ gói gọn trong phạm vi khối cơ quan - tổ chức nhà nước, nhiều doanh nghiệp và người dân, nhà khoa học, sinh viên cũng như nhóm khởi nghiệp trên địa bàn với tinh thần đổi mới sáng tạo đã liên tục chủ động phối hợp cùng các cơ quan nhà nước trong từng lĩnh vực liên quan triển khai các ứng dụng, giải pháp thiết thực phục vụ đời sống dân sinh, nghiệp vụ quản lý nhà nước theo tinh thần “lấy người dân làm trung tâm phụng sự”, và “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo tính hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức”.

 

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Dương Anh Đức báo cáo kết quả triển khai giai đoạn 1 các trung tâm thuộc đề án đô thị thông minh (Ảnh: Ngọc Minh/khampha.vn)

Với tất cả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau hơn 2 năm triển khai Đề án, người dân trên địa bàn TP.HCM đang dần trở nên quen thuộc với hàng loạt dịch vụ, ứng dụng trực tuyến được chính quyền Thành phố cung cấp như ứng dụng cung cấp thông tin giao thông và tình trạng kẹt xe – TTGT (Sở GTVT), công cụ cảnh báo các tuyến đường ngập nước và thông tin triều cường UDI Maps (Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị), ứng dụng tra cứu quy hoạch trực tuyến (Sở Quy hoạch Kiến trúc), cùng hàng loạt giải pháp dịch vụ hành chính công điện tử đang được nhiều quận, huyện và Sở ngành quyết liệt triển khai, từng bước kiến tạo một đô thị thông minh với toàn bộ dữ liệu được số hóa và tập trung, loạt dịch vụ công trực tuyến minh bạch và hơn bao giờ hết là kênh tương tác thiết thực giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp cơ quan quản lý nhà nước cùng lãnh đạo Thành phố.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Là một phần của đề án tổng thể, trong lĩnh vực an toàn - vệ sinh thực phẩm, với hạ tầng công nghệ được đô thị thông minh cung cấp, cuối năm 2017 Sở NN&PTNT TP.HCM đã triển khai đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM. Đến nay, ứng dụng TE-Food nói riêng và đề án giúp người dân truy xuất nguồn gốc thực phẩm ở chế độ thời gian thực do Sở NN&PTNT TP.HCM triển khai liên tục được hoàn thiện, bổ sung thêm mặt hàng trứng và thịt gia cầm.

Người dân TPHCM có thể dùng smartphone “soi” thịt để biết nguồn gốc thực phẩm

Theo đó, toàn bộ thịt heo, thịt và trứng gia cầm khi phân phối đến người tiêu dùng trên địa bàn phải được dán tem truy xuất nguồn gốc. Theo quy định, heo thịt/gia cầm thịt khi xuất trại để đưa vào lò giết mổ và sau đó trung chuyển đến các chợ đầu mối cũng phải được đeo vòng truy xuất nguồn gốc, đồng thời chủ trang trại, lò giết mổ và lực lượng thú ý phải thực hiện kích hoạt thông tin nhận diện, truy xuất nguồn gốc liên quan ở từng giai đoạn, chẳng hạn như chủng loại con giống,nhật ký tiêm chủng…

Đối với người dân là khách hàng tiêu dùng, tại các quầy hàng chợ truyền thống hay siêu thị, có thể sử dụng smartphone được cài sẵn ứng dụng TE-FOOD để truy xuất thông tin “nguồn gốc” của miếng thịt hay vỉ trứng đang cân nhắc mua.

Thông tin hướng dẫn/giới thiệu ứng dụng TE-Food khá đầy đủ, trực quan
TE-Food cung cấp thông tin chi tiết từ lịch sử con giống, trại nuôi, chủng ngừa, cơ sở giết mổ

Đối với mặt hàng rau/củ/quả, tuy chưa có một ứng dụng đồng nhất nhưng hiện các đơn vị cung ứng nguồn hàng này cho các hệ thống siêu thị lớn như VinMart, Co.opMart hay SatraFood đều chủ động dán mã QR Code lên bao bì sản phẩm để khách hàng thực hiện quét truy xuất nguồn gốc.

Thông tin nguồn gốc đa phần được các đơn vị công bố trên website riêng, và người tiêu dùng có thể sử dụng bất kỳ tiện ích nào có tính năng quét mã QR Code như Zalo hay công cụ cài sẵn trên smartphone, tablet, hay thiết bị di động thông minh bất kỳ.

Giao diện cung cấp thông tin nguồn gốc rau-củ-quả các sản phẩm do VinEco triển khai

Cũng tương tự như TE-FOOD, ở giao diện trang web được chuyển hướng đến, khách hàng có thể biết được thông tin về giống rau (củ/quả) đang mua, nông trại trực tiếp nuôi trồng, ngày và cơ sở đóng gói thành phẩm, chi tiết quá trình vận chuyển đến đơn vị kinh doanh đầu cuối.

EVN-HCMC cung cấp 19 dịch vụ điện trực tuyến

Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2020, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN-HCMC) đã cung cấp 19 loại hình dịch vụ theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng Internet, mạng viễn thông, qua đó khách hàng không cần phải đến trụ sở điện lực để đăng ký các dịch vụ điện.

Đại diện EVN-HCM cho biết, khi có bất kỳ yêu cầu về dịch vụ về điện, khách hàng chỉ cần liên hệ qua các hình thức như (1) Tổng đài chăm sóc khách hàng 1900.545454, (2) website chăm sóc khách hàng https://cskh.evnhcmc.vn/, (3) hộp thư điện tử cskh@hcmpc.com.vn, (4) Ứng dụng chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động EVNHCMC CSKH, (5) Trang EVNHCMC trên ứng dụng Zalo (Zalo Page EVNHCMC), cũng như Cổng dịch vụ công trực tuyến của UBND TPHCM và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ở website https://cskh.evnhcmc.vn/thanhtoantructuyen/thanhtoandichvu,khách hàng có thể dễ dàng tra cứu và thanh toán trực tuyến hóa đơn điện, hay sử dụng ứng dụng Zalo để tra cứu số tiền điện cần thanh toán cho từng mã số phiên lộ trình. Thông qua Zalo Page EVNHCMC, khách hàng có thể báo sự cố hỏng/mất điện.

Tra cứu thông ti về dịch vụ ngành điện trên Zalo được người dân TPHCM sử dụng khá nhiều vì sự tiện dụng

Đối với các phản ánh về sự cố cũng yêu cầu các dịch vụ liên quan, sau khi tiếp nhận các yêu cầu giải quyết các dịch vụ về điện, ngành điện sẽ cử nhân viên đến làm việc trực tiếp với khách hàng và sẽ giải quyết một cách kịp thời, triệt để tất cả các yêu cầu chính đáng về điện của khách hàng.

Ngồi tại nhà và 30 giây để lên kế hoạch du lịch trọn gói

Là dự án khởi nghiệp của một nhóm bạn trẻ TP.HCM xuất sắc đạt ngôi vị quán quân Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo 2019 (Startup Hunt 2019) do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức, ứng dụng TripHunter “khoác” sứ mệnh giúp du khách trong nước lẫn quốc tế khám phá Việt Nam một cách dễ dàng và thông minh hơn, từ đó góp phần quảng bá và thúc đẩy ngành du lịch.

TripHunter cũng từng được bình chọn là 1 trong 4 dự án/giải pháp hữu ích tại Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch TP.HCM 2018 (HIST 2018) do Sở KHCN và Sở Du lịch Thành phố chủ trì tổ chức nhằm tuyển chọn những dự án có tính sáng tạo trong giải pháp, sản phẩm, công nghệ … phù hợp với sự phát triển ngành du lịch Thành phố.

Tự lên kế hoạch du lịch trọn gói trong nước lẫn quốc tế ngay trên thiết bị thông minh

TripHunter xây dựng thuật toán lên lịch trình tối ưu và hiển thị một cách trực quan khiến cho du khách dễ dàng đưa ra quyết định. Với việc ứng dụng dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI), TripHunter phân tích sâu dữ liệu đầu vào (điểm đến, ngày đi, sở thích) để tự động lên kế hoạch chi tiết cho từng ngày, phù hợp với sở thích riêng của từng người. Du khách cũng có thể dễ dàng tạo lịch trình, chỉnh sửa lịch trình theo sở thích của mình chỉ trong vòng 30 giây.

Từ những thông tin du khách đưa ra, TripHunter có thể tính toán và liệt kê ra bảng chi phí bao gồm chỗ ở, thăm quan, ăn uống, di chuyển…cho chuyến đi của người dùng hoặc lên một lịch trình tối ưu nhất về mặt thời cũng như di chuyển từ điểm này sang điểm khác một cách hợp lý nhất. Du khách có thể thêm, xóa, sửa các chi phí trong chuyến đi theo ý muốn hoặc chỉnh sửa, ghi chú lại những cảm nhận trong chuyến hành trình.

Dữ liệu về du lịch của TripHunter đã phủ khắp 63 tỉnh thành, do đó du khách có thể tự tạo lịch trình du lịch đến mọi địa danh trên khắp Việt Nam chỉ trong vài giây (theo công bố là 30 giây) cũng như các thao tác đặt tour, mua vé máy bay hay giữ chỗ khách sạn đều được liên thông và không cần chuyển sang website của bất kỳ bên cung cấp thứ ba nào.

 

(còn tiếp)

 

Trần Minh Tài
Lượt xem: 24045
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin